Ứ mật khi mang thai và những vấn đề mẹ bầu nên biết

Ứ mật trong gan của thai kỳ là một tình trạng bệnh lý về gan thường gặp trong 6 tháng cuối của thai kỳ. Đây là nguyên nhân thứ hai phổ biến gây vàng da và ngứa khi mang thai, đồng thời làm tăng acid mật huyết thanh. Các triệu chứng trên sẽ giảm hẳn và mất đi trong vòng 2 – 3 tuần sau sinh.

Ứ mật trong gan có tác động mạnh tới thai kỳ, có thể gây sinh non, thai nhi chậm phát triển trong tử cung, suy thai trường diễn ra đồng thời, tác động lên người mẹ gây cảm giác khó chịu, khổ sở vì ngứa toàn thân dẫn đến cuộc sống hàng ngày bị xáo trộn.

Tại sao có tình trạng ứ mật trong gan khi mang thai?

Khi mang thai các nội tiết tố thai kỳ ảnh hưởng đến chức năng túi mật, dẫn đến làm chậm hoặc ngăn chặn dòng chảy của dịch mật. Túi mật có vai trò tích trữ mật và cô đặc dịch mật, dịch mật được sản xuất trong gan. Chức năng quan trọng nhất của mật là giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu chất béo cũng như các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, K, E và caroten. Khi dòng chảy của dịch mật ngừng trệ hoặc bị chậm lại, điều này gây ra một phản ứng mật trong gan có thể tràn vào máu. Những người có nguy cơ cao bị ứ mật là những người béo phì, mỡ trong máu cao, có bệnh lý về gan trước đó, tiền căn gia đình có người bị ứ mật.

u-mat-trong-gan-o-giai-doan-mang-thaiỨ mật trong gan thường xảy ra trong 6 tháng cuối của thai kỳ

Cách xác định ứ mật trong thai kỳ

Những triệu chứng phổ biến nhất của chứng ứ mật trong thai kỳ bao gồm: Ngứa, triệu chứng ngứa ngáy thường xảy ra vào ban đêm, ban đầu mức độ ít, càng về sau tình trạng ngứa xảy ra càng thường xuyên hơn, thêm dấu hiệu buồn nôn nhẹ và khó chịu ở vùng bụng bên phải. Đi tiểu nước sậm màu như màu vàng trà, đi tiêu phân bạc màu. Kèm theo dấu hiệu vàng da, vàng mắt. Khám vùng gan có thể thấy gan lớn hơn bình thường, ấn căng tức. Siêu âm gan lớn, tình trạng ứ mật trong và ngoài gan, biểu hiện các đường mật giãn. Xét nghiệm acid mật huyết thanh tăng, Bilirubin gián tiếp tăng, chức năng gan có sự thay đổi như SGOT – SGPT tăng.

Những ảnh hưởng lên thai nhi và lên mẹ:

- Tác động lên mẹ: ngứa, có thể trở nên căng thẳng và trầm cảm, rối loạn đông máu do thiếu vitamin K, chuyển dạ kéo dài, băng huyết sau sinh, ứ dịch lòng tử cung.
- Hậu quả cho thai nhi: thai nhi chậm tăng trưởng, suy thai trường diễn, sinh non, hội chứng hít phân su, thai chết lưu.

Giải pháp điều trị

Các mục tiêu điều trị chứng ứ mật trong thai kỳ để giảm ngứa và ngăn chặn biến chứng. Ngứa có thể được điều trị bằng thuốc chống ngứa tại chỗ tại chỗ hoặc với corticoid. Thuốc sử dụng để giúp làm giảm nồng độ acid mật. Kiểm tra giám sát sự phát triển của thai nhi bằng cách theo dõi sự tăng trưởng và sức khỏe của thai nhi trên monitoring sản khoa và siêu âm thai. Trẻ sơ sinh của những bà mẹ có chứng ứ mật thường phải chấm dứt thai kỳ sớm so với ngày dự sinh vì nguy cơ cho thai nhi, do vậy cần có kế hoạch tốt. Vitamin K bổ sung được chỉ định dùng cho mẹ trước khi sinh và một lần nữa sau khi em bé được sinh ra để ngăn chặn xuất huyết nội sọ.

Kế hoạch dự phòng ứ mật trong gan khi có thai

Đây là một tình trạng bệnh lý do kỳ mang thai gây nên, sau khi sinh khoảng 2 – 3 tuần thì không còn nữa. Vì vậy, kế hoạch dự phòng làm sao trong quá trình mang thai, không để xảy ra tình trạng ứ mật, đồng thời giảm thiểu tối đa các biến chứng và hậu quả do tình trạng ứ mật trong gan gây ra cho bà mẹ và thai nhi. Cụ thể những đối tượng nguy cơ cao cần phải được chú ý đặc biệt, các bà mẹ béo phì phải tuân thủ tốt theo sự hướng dẫn của bác sỹ sản khoa và bác sỹ dinh dưỡng về chế độ ăn trong thai kỳ để đảm bảo sự tăng cân vừa phải, đồng thời theo dõi sát sự tăng trưởng của thai nhi.

Các trường hợp có mỡ máu tăng, tiền căn gia đình có ứ mật trong gan, bệnh lý gan có sẵn, thì phải hết sức lưu ý. Trong lúc chuyển dạ sinh phải phòng ngừa băng huyết sau sinh, để thai nhi có điều kiện được sinh ra đủ khả năng sống tự lập và khỏe mạnh.

Sức khỏe đời sống số ra 766