Câu hỏi: Tôi là nam, năm nay 30 tuổi trước giờ sức khỏe tôi rất tốt nhưng thời gian gần đây tôi hay bị đau bụng. Đặc biệt là tuần trước, sau ăn xong thì đau dữ dội vào viện khám mới biết có sỏi túi mật. Nằm viện mấy ngày hết đau thì xuất viện, bác sĩ điều trị bảo theo dõi thêm nhưng cũng có thể phải phẫu thuật cắt túi mật. Xin hỏi có nhất thiết phải cắt túi mật không, vì tôi vẫn còn trẻ và chưa muốn phẫu thuật.
Câu trả lời từ Tiến sĩ, Bác sĩ Sheile Wijayasinghe - Bệnh viện St. Michael ở Toronto, Canada:
Thực tế, câu hỏi đau sỏi mật có phải phẫu thuật không cũng là băn khoăn chung của nhiều người mắc bệnh. Để giải đáp được câu hỏi này trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về chức năng túi mật và những điều cần biết về bệnh sỏi mật.
Túi mật là một túi nhỏ hình quả lê nằm bên dưới gan. Hầu hết mọi người thường ít chú ý đến túi mật cho đến khi nó bắt đầu gây đau đớn cho chúng ta. Túi mật có nhiệm vụ lưu trữ mật, một chất lỏng được sản xuất trong gan để phân hủy chất béo, giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu, đồng thời dịch mật cũng là môi trường hòa tan các chất độc hại được đào thải ra khỏi gan. Khi chúng ta ăn thực phẩm có chứa chất béo, túi mật co lại và giải phóng mật vào tá tràng. Khi không ăn, dịch mật sẽ được cô đặc và dự trữ trong túi mật, chuẩn bị sẵn sàng cho một bữa ăn tiếp theo.
Vì vậy, nhờ túi mật mà hoạt động tiêu hóa của chúng ta diễn ra trơn tru, lượng dịch mật được điều tiết phù hợp với nhịp độ bữa ăn và không xảy ra tình trạng quá thừa hay quá thiếu dịch mật.
Túi mật đóng vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa của chúng ta
Dịch mật là hỗn hợp chứa nhiều thành phần như cholesterol, sắc tố mật bilirubin, nước, muối mật, lecithin… Khi có sự xáo trộn các thành phần trong dịch mật, các thành phần này có xu hướng kết tụ với nhau tạo thành khối rắn chắc hoặc dạng nhầy như bùn.
Các yếu tố như thừa cân béo phì, tiểu đường, phụ nữ mang thai, chế độ ăn nhiều chất béo hoặc giảm cân quá nhanh… làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật. Tuy nhiên, ngay cả khi không có những yếu tố nguy cơ kể trên thì sỏi mật vẫn có thể xuất hiện ở những người khỏe mạnh giống như trường hợp của bạn.
Nhiều trường hợp sỏi túi mật không gây triệu chứng gì hoặc chỉ là những dấu hiệu thoáng qua như đầy hơi, trướng bụng, chậm tiêu… ít được chú ý. Người bệnh chỉ phát hiện khi đi siêu âm hoặc chụp CT khi thăm khám. Tuy nhiên, nếu sỏi túi mật gây biến chứng và tắc mật, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như đau vùng hạ sườn phải. Cơn đau sỏi mật có thể âm ỉ, khó chịu hoặc dữ dội, kèm theo buồn nôn hoặc nôn ói, đau lưng hoặc vai phải. Trường hợp nặng hơn thường có sốt hoặc vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng nếu sỏi gây ứ tắc dịch mật.
Nếu sỏi mật chưa gây triệu chứng, phẫu thuật thường không phải là lựa chọn hàng đầu mà người bệnh thường được khuyên chung sống hòa bình với sỏi. Nhưng khi bạn có triệu chứng thì điều trị là cần thiết với các phương pháp như dùng thuốc hoặc phẫu thuật loại sỏi tùy theo chức năng túi mật còn tốt hay không.
Có một số cách giảm triệu chứng đau sỏi mật và ngăn ngừa biến chứng do sỏi gây ra như duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, chế độ ăn ít chất béo, ăn nhiều rau xanh hơn nhưng hãy nhớ rằng theo thời gian sỏi mật có nguy cơ tăng viêm lặp lại, gây đau và hình thành nên các mô sẹo ở túi mật. Một số biến chứng tiềm tàng khác như do sỏi mật gây ra như viêm đường mật, viêm tụy…
Trong điều trị sỏi mật, áp dụng điều trị nội khoa khi không có chỉ định ngoại khoa: Thường dùng các thuốc lợi mật, có thể dùng thuốc bào mòn sỏi, các thuốc giảm co thắt. Trường hợp nhiễm trùng phải sử dụng kháng sinh. Còn điều trị ngoại khoa trong những trường hợp sỏi mật gây biến chứng: Cụ thể là cắt túi mật bằng nội soi hoặc trường hợp có sỏi đường mật phải tiến hành nội soi ngược dòng để lấy sỏi hoặc tán sỏi.
Phẫu thuật cắt túi mật thường chỉ áp dụng khi sỏi mật gây biến chứng
Phẫu thuật cắt túi mật là cách điều trị dứt khoát nhất bởi vì một khi túi mật bị loại bỏ, sỏi mật không tái diễn. Hầu hết các phẫu thuật được thực hiện bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là mổ nội soi. Các bác sĩ phẫu thuật đưa máy ảnh và dụng cụ phẫu thuật vào ổ bụng qua những vết mổ khá nhỏ trên thành bụng để thực hiện phẫu thuật. Sau đó túi mật được loại bỏ và kéo ra ngoài. Phẫu thuật này ít xâm lấn hơn, ít chảy máu và thời gian hồi phục nhanh. Trong một số trường hợp, phẫu thuật mở là cần thiết nếu túi mật bị tổn thương quá nặng hoặc có quá nhiều mô sẹo không thể thực hiện được một cách an toàn với phẫu thuật nội soi.
Đối với những người đủ sức khỏe để phẫu thuật do tuổi tác hoặc các vấn đề y tế khác gây nguy hiểm, có thể uống thuốc tan sỏi mật. Tuy nhiên, các loại thuốc này chỉ có tác dụng với sỏi cholesterol kích thước dưới 2 cm, thời gian dùng thuốc kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm và có nguy cơ tái phát sỏi mật cao khi ngưng sử dụng thuốc.
Tóm lại, trường hợp của bạn vẫn cần theo dõi và thăm khám trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu vẫn còn lo lắng vì những cơn đau sỏi mật hay phẫu thuật cắt túi mật, hãy thảo luận thêm với bác sĩ của bạn để tìm được phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.
https://www.theglobeandmail.com/life/health-and-fitness/ask-a-health-expert/i-had-a-gallbladder-attack-do-i-need-surgery/article11738438/