Sau 50 ca phẫu thuật, các bác sĩ của BV Nhi đồng 2 TP HCM đã tìm ra cách điều trị mới cho bệnh giãn đường mật chính bẩm sinh.
Bệnh giãn đường mật chính bẩm sinh (còn gọi là u nang ống mật chủ) là bệnh lý thường gặp ở trẻ em châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong bệnh lý này, ống mật chủ (ống chính đưa mật từ gan và túi mật tới ruột) bị giãn to. Tuy bệnh đã được phát hiện từ rất lâu nhưng vẫn còn một bí ẩn mà giới chuyên môn lâu nay chưa giải mã được. Đó là rất nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật tái tạo đường mật thường hay bị đau bụng tái phát. Nhiều bác sĩ cho rằng, nguyên nhân có thể là do khi cắt u và tái tạo đường mật bằng một khúc ruột, thức ăn trong đường tiêu hóa vẫn dội ngược lên đường mật mới tạo, gây đau bụng.
Bệnh giãn đường mật
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp chụp đường mật cản quang trên tất cả các bệnh nhân và phát hiện ra rằng, tất cả họ đều có kèm dị dạng của túi mật và ống dẫn túi mật. Hơn thế nữa, trong khi ở người bình thường, ống mật và ống tụy tách rời nhau, thì ở các bệnh nhân bị giãn đường mật chính bẩm sinh, hai đường dẫn này lại thông với nhau (qua ống chung mật - tụy). Chính ống này làm cho dịch tụy dội lên đường mật, gây ra đau bụng sau mổ.
Túi mật nằm ở dưới gan, làm nhiệm vụ tích trữ và cô đặc mật do gan sản xuất, đưa nó tới ruột khi ta ăn. Mật đi vào ruột qua ống mật chủ, cùng chung lỗ mở ở ruột với ống tụy. Mật được nhào trộn với thức ăn, giúp hấp thu chất béo và một số vitamin hòa tan trong mỡ.
Từ phát hiện này, nhóm nghiên cứu quyết định thực hiện chiến lược mới trong phẫu thuật. Họ xác định rằng, cùng với việc cắt bỏ túi mật và phần giãn của ống mật chủ, phải bịt cho được đường thông giữa ống mật và ống tụy. Các bác sĩ đã nối trực tiếp ống mật (phần nằm trên ống chung mật - tụy) vào ruột, và tạo một van chống dội ngược ở đầu dưới, cách chỗ nối 5 cm về phía trên. Làm như vậy, dịch tụy sẽ không thể đi ngược lên đường mật, và bệnh nhân sẽ không bị đau bụng sau phẫu thuật.
Việc tìm ra ống chung mật - tụy không những giải thích được nguyên nhân gây đau bụng của bệnh nhân, mà còn giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh sớm. Nếu như với trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng) và nhũ nhi (dưới 12 tháng), biểu hiện sớm của bệnh là vàng da, vàng mắt thì ở các trẻ lớn, đau bụng tái phát nhiều lần, trong nhiều năm có thể lại là dấu hiệu chỉ điểm cho các bác sĩ. Việc siêu âm ổ bụng sẽ giúp xác nhận chẩn đoán này.
Báo cáo về công trình nghiên cứu nói trên đã được đánh giá cao tại các hội nghị ngoại nhi ở châu Âu trong thời gian vừa qua, cũng như tại Hội thảo bệnh lý gan mật trẻ em lần một năm 2002, mới tổ chức ở TP HCM.
Trích nguồn: http://doisong.vnexpress.net
Thông tin cho bạn: TPCN Kim Đởm Khang Giải pháp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa biến chứng của bệnh sỏi mật, sỏi túi mật, sỏi đường mật...