Statin - thuốc hạ mỡ máu giúp giảm nguy cơ mắc sỏi mật

Nghiên cứu đăng tải trên trang web của hiệp hội y khoa Mỹ cho biết: Sử dụng nhóm thuốc Statin trên 1 năm có thể giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật.

Tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật ở các nước phương Tây chiếm khoảng từ 10% - 20%, nguy cơ này tăng lên cùng tuổi tác, di truyền, nữ giới, béo phì và khác nhau tùy thuộc từng khu vực địa lý. Bệnh sỏi mật thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng nhưng có khoảng 2% bệnh nhân gặp phải biến chứng nghiêm trọng như đau dữ dội vùng hạ sườn phải, vàng da, viêm tụy cấp, viêm đường mật, viêm túi mật cấp,...

Khoảng 80% -90% sỏi mật có nguồn gốc từ cholesterol quá bão hòa trong mật, phần còn lại là sỏi sắc tố, được hình thành chủ yếu từ bilirubin và canxi.

Tăng cholesterol máu là một yếu tố nguy cơ quan trọng không chỉ đối với bệnh xơ vữa động mạch, mà còn là nguyên nhân của nhiều bệnh khác, trong đó có bệnh sỏi mật. Các thuốc statins là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay được dùng để điều trị rối loạn lipid máu, ngăn ngừa các bệnh mạch vành hay mạch máu não…Nhóm statins bao gồm các thuốc có đuôi statin như: simvastatin, lovastatin, pravastatin… với các biệt dược trên thị trường như Lipitor, Crestor, Zocor… Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng thuốc statins dài ngày có thể giảm được nguy cơ sỏi mật và tái phát sỏi sau khi cắt túi mật.

Nhóm thuốc Statin hiện đang được sử dụng tại Việt Nam

Nhóm thuốc Statin hiện đang được sử dụng tại Việt Nam

Trong gan, statin ức chế sinh tổng hợp cholesterol, nên làm giảm nồng độ cholesterol trong mật, do đó có thể ngăn chặn sự hình thành sỏi mật, sỏi mật tái phát, biến chứng của sỏi, và nguy cơ cắt bỏ túi mật.

Thạc sĩ, bác sĩ Michael Bodmer và cộng sự bệnh viện Đại học Basel, Thụy Sĩ đã tiến hành nghiên cứu quan sát năm 2009 để kiểm tra mối liên hệ giữa việc sử dụng statin và nguy cơ tái phát sỏi mật sau khi cắt bỏ túi mật. Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ giữa năm 1994 và 2008 gồm có 27.035 bệnh nhân bị cắt bỏ túi mật do sỏi và các biến chứng liên quan so với nhóm chứng là 106.531 người không có tiền sử bệnh túi mật; hai nhóm có độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe tương đương nhau; trong đó 2.396 bệnh nhân và 8.868 người thuộc nhóm chứng sử dụng statin. Kết quả cho thấy, sau ít nhất 1 năm điều trị với thuốc bất kỳ thuộc nhóm statin giảm được đáng kể nguy cơ mắc sỏi cholesterol so với bệnh nhân không sử dụng. Lợi ích này thấy được ở tất cả các nhóm tuổi, giới tính, ngay cả khi đã điều chỉnh các yếu tố nguy cơ quan trọng khác của bệnh sỏi mật như tình trạng thừa cân hoặc sử dụng estrogen. Tuy nhiên, hiệu quả này không có được nếu sử dụng statin ngắn ngày. Liều lượng của các statin sử dụng cho người bệnh cũng đóng vai trò quan trọng, bệnh nhân sử dụng statin liều cao hơn có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật thấp hơn so với những người dùng liều thấp.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Tsai trên tạp chí tiêu hóa năm 2009 trên 2.479 phụ nữ Mỹ có tiền sử sỏi mật cũng cho thấy việc sử dụng statin giúp làm giảm nguy cơ cắt bỏ túi mật.

Bên cạnh đó, statins còn có thể rút ngắn thời gian phẫu thuật, làm giảm chảy máu trong quá trình nội soi ở những bệnh nhân có triệu chứng sỏi mật. Các tác dụng có lợi của statin trên bệnh sỏi mật đã được chứng minh qua  nhiều nghiên cứu mặc dù mục đích chính khi sử dụng statins trong điều trị là giảm các bệnh tim mạch và cũng cần lưu tâm đến những tác dụng phụ của nó lên gan, cơ… trong điều trị.

Để giải đáp được câu hỏi: “Liệu có thể dùng statins để điều trị bệnh sỏi mật đơn thuần hay không?” cần phải có thêm nghiên cứu trong tương lai.

Trích nguồn: http://www.webmd.com

Chia sẻ bệnh nhân trị sỏi mật