Sỏi mật có thể gặp ở 10% đến 15% người trưởng thành và các yếu tố: nữ giới, mang thai, béo phì, bệnh tiểu đường… đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Bệnh sỏi mật là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại trên thế giới hiện nay, nó ảnh hưởng đến 10% đến 15% người trưởng thành, nghĩa là khoảng 20-25 triệu người Mỹ đã (hoặc sẽ có) sỏi mật. Phần lớn người bệnh không có hoặc có triệu chứng một cách mơ hồ, dễ dàng bị bỏ qua như đầy trướng, chậm tiêu, khó tiêu. Còn lại, một số ít gặp phải biến chứng cấp tính do sỏi mật gây ra như viêm tụy cấp, viêm túi mật, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc... cần thiết phải phẫu thuật gấp để tránh nguy hiểm tới tính mạng. Ước tính có khoảng 1,8 triệu lượt khám bệnh sỏi mật mỗi năm, nó cũng là bệnh lý đường tiêu hóa hàng đầu khiến người bệnh nhập viện. Đồng thời, chi phí trực tiếp và gián tiếp cho bệnh túi mật ở Mỹ lên tới 6,2 tỷ USD trong một năm, tạo gánh nặng lớn cho ngành y tế.
Liệu người dân khu vực nào có tỉ lệ mắc sỏi mật cao nhất? Sau đây là các nhóm đối tượng phổ biến cùng với nguy cơ mắc bệnh của họ.
Phụ nữ có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn nam giới vì estrogen kích thích gan loại bỏ cholesterol từ máu và chuyển nó vào mật. Tuổi càng cao thì khả năng bị bệnh càng tăng, gần 25% phụ nữ Mỹ ở tuổi 60 và 50% tuổi 75 mắc sỏi mật. Trong hầu hết các trường hợp, sỏi có thể khởi phát từ rất sớm nhưng người bệnh không có triệu chứng của sỏi, chỉ phát hiện ra khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc chẩn đoán bệnh khác.
Mang thai: Mang thai làm tăng nguy cơ sỏi mật do tình trạng rối loạn nội tiết tố, do đó phụ nữ mang thai dễ có các triệu chứng của sỏi mật hơn. Trong thực tế, sỏi mật có thể biến mất sau khi sinh. Đối với trường hợp sỏi kích thước lớn, can thiệp ngoại khoa nên được hoãn lại cho đến khi sinh, nếu bắt buộc phải phẫu thuật thì nội soi là phương pháp an toàn nhất.
Sử dụng liệu pháp hormon: Một số nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng việc sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT) tăng gấp 2 hoặc 3 lần nguy cơ mắc sỏi mật, bệnh túi mật, hoặc phẫu thuật túi mật. Estrogen làm tăng triglycerid, một acid béo làm tăng nguy cơ bị sỏi cholesterol. Tuy nhiên, những phụ nữ sử dụng miếng dán hoặc dạng gel của HRT có nguy cơ sỏi thấp hơn so với những người dùng đường uống.
Nguy cơ mắc sỏi mật tăng ở phụ nữ dùng liệu pháp thay thế hormon
Khoảng 20% nam giới có sỏi mật ở tuổi 75. Tuy nhiên, nam giới nếu đã loại bỏ túi mật lại có nhiều khả năng bị bệnh nặng và nguy cơ gặp phải biến chứng sau phẫu thuật nhiều hơn so với phụ nữ.
Bệnh sỏi mật tương đối ít gặp ở trẻ em. Khi sỏi mật xảy ra ở độ tuổi này, đa số đều là sỏi sắc tố và các bé gái có ít nguy cơ hơn so với bé trai. Những bệnh lý sau đây có thể làm tăng khả năng mắc sỏi mật ở trẻ em: - Chấn thương cột sống - Đã từng phẫu thuật ổ bụng - Thiếu máu hồng cầu hình liềm: làm tăng nguy cơ hình thành sỏi sắc tố. - Suy giảm hệ miễn dịch - Được nuôi qua đường tĩnh mạch trong thời gian dài: dẫn tới túi mật không có bóp, làm tăng nguy cơ sỏi mật. Lên tới 40% bệnh nhân nuôi ăn tĩnh mạch hình thành sỏi trong túi mật.
Do sỏi mật có liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống, đặc biệt là chất béo nên tỷ lệ mắc sỏi mật rất khác nhau giữa các quốc gia và khu vực. Người Tây Ban Nha và Bắc Âu có nguy cơ cao bị sỏi mật hơn so với người châu Á và châu Phi do món ăn yêu thích của người dân khu vực này chủ yếu gồm trứng và đồ ăn sẵn như thịt muối, jambong, thịt hun khói… Còn ở các quốc gia Châu Á thì tình trạng nhiễm ký sinh trùng,gây viêm mạn tính đường mật lại phổ biến hơn nên tỉ lệ người bệnh bị sỏi sắc tố gặp nhiều hơn ở đây.
Vùng Bắc và Nam Mỹ, như Pima Indians ở Mỹ, dân bản xứ ở Chile và Peru rất dễ bị sỏi mật. Phụ nữ Pima có 80% khả năng sẽ mắc sỏi mật, và hầu như tất cả phụ nữ Ấn Độ có nguồn gốc Chile và Peru đều có sỏi túi mật. Nguyên nhân có thể do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và chế độ ăn uống.
Yếu tố di truyền có thể liên quan đến 30% tổng số các trường hợp mắc sỏi mật, vì vậy, bạn sẽ tăng nguy cơ bị sỏi túi mật nếu trong gia đình có người từng bị bệnh này. Một số nghiên cứu cho rằng đột biến gen ABCG8 làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật, vì nó tăng vận chuyển cholesterol từ gan đến ống dẫn mật và túi mật.
Ngoài ra, khuyết tật protein vận chuyển tham gia vào quá trình tiết cholesterol mật kết hợp thêm yếu tố di truyền, môi trường, chất trung gian miễn dịch, yếu tố viêm cũng làm tăng nguy cơ của bệnh sỏi mật.
Những người mắc bệnh do hội chứng chuyển hóa gây nên như béo phì (đặc biệt là béo bụng), rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, đái tháo đường có nguy cơ cao bị sỏi mật hơn so với bình thường do sự gia tăng nồng độ cholesterol trong máu và bão hòa trong mật, họ cũng dễ bị nhiễm khuẩn đường mật, có khả năng hồi phục kém hơn.
Đôi khi, một số thuốc điều trị mỡ máu như fibrate lại làm tăng nguy cơ sỏi mật do tăng lượng cholesterol bài tiết vào mật. Những thuốc này bao gồm gemfibrozil và fenofibrate. Các thuốc khác không gây kết quả tương tự.
Giảm cân nhanh chóng bằng cách nhịn ăn làm dư thừa lượng cholesterol mà gan sản xuất để tiêu thụ thức ăn hàng ngày, làm tăng nguy cơ sỏi mật. Số liệu thống kê cho thấy nguy cơ mắc sỏi mật là 12% sau 8 -16 tuần áp dụng chế độ ăn hạn chế calo, tỉ lệ này tăng lên trên 30% sau khi phẫu thuật dạ dày. Đặc biệt, khả năng bị sỏi mật cao nhất ở những người giảm hơn 24% trọng lượng cơ thể hoặc 1,5kg trong vòng 1 tuần.
Giảm cân nhanh chóng làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật
Như vậy, nguy cơ mắc sỏi mật thường cao hơn ở phụ nữ, béo phì, tiền sử gia đình, đặc biệt là những người đang có ý định giảm cân nhanh chóng bằng chế độ ăn giảm calo. Các đối tượng này hãy cân nhắc lại về lợi ích mang lại và nguy cơ gặp phải để xây dựng chiến lược giảm cân hợp lý, có chế độ ăn uống khoa học để không phải đối mặt với các cơn đau quặn hạ sườn phải, tình trạng đầy trướng, chậm tiêu hay biến chứng nguy hiểm khác do sỏi mật gây nên.
Nguồn: http://www.nytimes.com/