Phần 2: Chẩn đoán và điều trị
Trong phần 1, chúng ta đã nói đến triệu chứng, biểu hiện và biến chứng nguy hiểm của trào ngược dịch mật gây ra. Vậy các phương pháp chẩn đoán và hướng điều trị bệnh này như thế nào, liệu có tương tự như trào ngược acid dạ dày hay không?
Mặc dù mô tả các triệu chứng gặp phải cũng đủ cho bác sĩ chẩn đoán vấn đề trào ngược. Nhưng phân biệt giữa trào ngược mật và trào ngược acid là khó khăn, đòi hỏi phải có thêm nhiều xét nghiệm nhằm phân loại và kiểm tra mức độ viêm thực quản, dạ dày cũng như chẩn đoán tiền ung thư. Các kiểm tra có thể bao gồm:
- Nội soi.
- Kiểm tra nồng độ acid dạ dày cấp.
- Trở kháng thực quản: Xét nghiệm này đo lường lượng khí hoặc chất lỏng trào ngược vào thực quản. Nó rất hữu ích cho những người nôn ra chất lỏng không có tính acid (chẳng hạn như mật) và không thể được phát hiện bởi thăm dò acid.
Cần phân biệt giữa trào ngược mật và trào ngược acid để có hướng điều trị tốt nhất
Điều trị trào ngược dịch mật không dễ dàng như điều trị hoặc kiểm soát trào ngược acid dạ dày bằng những thay đổi trong chế độ ăn uống hay lối sống. Bệnh thường phải điều trị bằng thuốc. Trong trường hợp nặng, nếu thuốc không làm giảm triệu chứng hoặc có những dấu hiệu tiền ung thư ở thực quản thì sẽ cần phải phẫu thuật. Một số loại phẫu thuật có thể áp dụng bao gồm:
- Phẫu thuật chuyển hướng (Roux-en-Y): Phương pháp này có thể được áp dụng cho những người đã từng được phẫu thuật dạ dày để loại bỏ môn vị trước đó. Trong Roux-en-Y, bác sĩ phẫu thuật tạo một đường dẫn mật phía dưới bên trong ruột non để chuyển mật ra khỏi dạ dày.
- Phẫu thuật chống trào ngược: Phương pháp này nhằm củng cố van và có thể làm giảm trào ngược dịch vị lên thực quản. Có rất ít bằng chứng về hiệu quả của phẫu thuật này cho bệnh mật trào ngược.
Không giống như trào ngược acid, mật trào ngược có vẻ ít liên quan đến các yếu tố lối sống. Nhưng nhiều người mắc chứng trào ngược cả acid và dịch mật đồng thời, vì vậy các triệu chứng có thể được giảm bớt bằng cách thay đổi lối sống:
- Ngưng hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng sản xuất acid dạ dày, do đó bỏ thuốc lá sẽ giúp bảo vệ thực quản.
- Ăn ít hơn và chia làm nhiều bữa nhỏ: Làm giảm áp lực cơ vòng thực quản dưới, giúp ngăn ngừa các van được mở sai thời điểm.
- Đứng thẳng sau khi ăn: Sau khi ăn, cần khoảng 2-3 giờ để làm rỗng dạ dày trước khi nằm xuống.
- Hạn chế thức ăn béo: Bữa ăn giàu chất béo làm giãn cơ vòng thực quản dưới và làm chậm tốc độ rỗng dạ dày.
- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có hại: Các loại thực phẩm làm tăng sản xuất acid dạ dày và có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới bao gồm thức uống có gas, caffe, sô cô la, các loại thực phẩm và nước trái cây họ cam quýt, hành tây, cà chua, thức ăn cay và bạc hà.
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu: Uống rượu làm giãn cơ vòng thực quản dưới và kích thích thực quản.
- Giảm cân: Khi trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ tạo áp lực vào dạ dày gây ợ nóng và trào ngược dịch vị.
- Nâng cao giường ngủ: Nâng cao đầu giường khoảng 10 – 15cm có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng trào ngược
- Thư giãn: Khi bạn căng thẳng, quá trình tiêu hóa bị chậm lại, có thể khiến các triệu chứng trào ngược trở nên trầm trọng hơn. Các biện pháp thư giãn như hít thở sâu, thiền hoặc yoga, có thể giúp hạn chế trào ngược.