Những người mắc sỏi mật có nguy cơ cao bị sỏi thận và ngược lại, nguyên nhân do cả hai bệnh đều có chung cơ chế là sự rối loạn chuyển hóa các chất.
Nhiều nhà nghiên cứu cho biết: bệnh béo phì, tiểu đường, huyết áp, mỡ máu và chế độ ăn uống không lành mạnh thường làm tăng nguy cơ mắc hai loại sỏi này. Chúng là thủ phạm làm tăng đáng kể gánh nặng về bảo hiểm y tế ở hầu hết các nước.
Sỏi mật là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp nhất với tỷ lệ mắc dao động từ 0,1% đến 61,5% trên toàn thế giới. Ở Đài Loan, số người bị sỏi mật chiếm 10,7% dân số, gặp chủ yếu ở nữ giới, đặc biệt phụ nữ tiền mãn kinh. Sỏi mật được chia thành hai loại chính: sỏi cholesterol và sỏi sắc tố. Ở các nước Châu Á thì sỏi sắc tố là phổ biến nhất và nó cũng là nguyên nhân hàng đầu trong số các vấn đề về tiêu hóa khiến người bệnh phải cấp cứu hoặc nhập viện. Sỏi mật có thể tiến triển im lặng hoặc kèm theo các dấu hiệu khác như: cơn đau quặn mật, viêm túi mật, vàng da tắc mật và viêm tụy...
Sỏi thận cũng rất phổ biến trên thế giới với tỷ lệ mắc dao động từ 2% đến 20%. Không giống như sỏi mật, sỏi thận gặp nhiều hơn ở nam giới. Vấn đề sỏi hình thành và tái phát sau điều trị cũng là một vấn đề nghiêm trọng, tỷ lệ tái phát sỏi trong vòng 10 năm khá cao, có thể lên tới 50%.
Vị trí túi mật và thận trong cơ thể người
Tiến sĩ Brian Matlaga - bác sĩ tiết niệu của Đại học y khoa Johns Hopkins, Baltimore cho biết: Mặc dù sỏi thận và sỏi túi mật được hình thành và bản chất khác nhau (sỏi thận là sỏi canxi, sỏi mật là sỏi cholesterol) nhưng các nhà chuyên môn đang dần tìm ra mối liên hệ giữa chúng:
Năm 2011, Eric Taylor thuộc Trung tâm y tế Maine, Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa hai loại sỏi này trên Tạp chí Tiết niệu Hoa Kỳ. Nghiên cứu tiến hành theo dõi hơn 240.000 người trong khoảng thời gian từ 14 đến 24 năm, kết quả cho thấy: những người có tiền sử sỏi mật tăng nguy cơ mắc sỏi thận lên tới 26 - 32 % so với những người chưa từng mắc sỏi mật.
Đến tháng 1 năm 2014, nhóm nghiên cứu của đại học Y khoa Trung Quốc cũng có kết quả tương tự Eric Taylor. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu có sẵn của Bảo hiểm Y tế Đài Loan với 25.258 bệnh nhân sỏi mật (54,5% nữ) và 101.029 người không bị sỏi mật thuộc nhóm chứng. Người ta thấy rằng nguy cơ mắc sỏi thận và tích lũy sỏi ở người sỏi mật cao gấp 1,68 lần so với nhóm chứng sau khi đã điều chỉnh các yếu tố về tuổi, giới tính cũng như bệnh mắc kèm.
Nói về cơ chế liên quan tới bệnh sỏi thận và sỏi mật, Eric Taylor và công sự cho biết, có thể sự thay đổi các loại vi khuẩn trong ruột là nguyên nhân làm người bệnh dễ mắc cả hai loại sỏi, nhưng để chắc chắn hơn cần có nhiều minh chứng hơn nữa.
Nghiên cứu của Bác sĩ Cornelia Weikert, Khoa Dịch tễ học, Viện dinh dưỡng Potsdam-Rehbruecke - Đức, cũng chỉ ra rằng bệnh sỏi thận và sỏi mật là hậu quả của tình trạng rối loạn chuyển hóa chất và có mối liên quan mật thiết với bệnh tiểu đường. Tình trạng kháng insulin dẫn tới pH nước tiểu thấp, gây giảm đào thải acid uric, và tăng khả năng hình thành nhân tinh thể acid uric trong đường niệu, từ đó tích tụ thành sỏi thận. Đồng thời, kháng insulin ở những người có hội chứng chuyển hóa cũng là tác nhân hình thành sỏi mật do cơ chế gây tăng bài tiết cholesterol nhưng giảm tổng hợp acid mật.
Đề kháng Insulin là yếu tố nguy cơ của bệnh sỏi thận và sỏi mật
Như vậy, bệnh sỏi mật và sỏi thận có mối quan hệ mật thiết về cơ chế sinh bệnh cũng như yếu tố nguy cơ, đặc biệt là bệnh tiểu đường type 2. Vì vậy, có thể dự đoán được nguy cơ sỏi thận, tiểu đường ở người bệnh sỏi mật và ngược lại, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa sớm các bệnh này ở đối tượng có nguy cơ cao. Vì vậy, hãy phòng ngừa sỏi thận, sỏi mật ngay từ bây giờ với chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý và kiểm soát tốt cân nặng, mỡ máu.
Trích nguồn: http://www.reuters.com/ http://qjmed.prod-oup.highwire.org/ http://www.jurology.com/
Thông tin cho bạn: TPCN Kim Đởm Khang giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh sỏi mật, sỏi túi mật, sỏi đường mật...