Nhiễm khuẩn đường mật có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm gan, áp xe đường mật, ung thư đường mật, thủng túi mật, hoại tử túi mật, nhiễm khuẩn máu, viêm thận, suy thận…
Đường dẫn mật là hệ thống giao thông quan trọng giúp vận chuyển mật từ gan (nơi sản xuất dịch mật) xuống tá tràng để tiêu hóa thức ăn hoặc quay lại dự trữ trong túi mật. Nhiễm khuẩn đường mật là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại đường dẫn mật trong gan hoặc ngoài gan. Nhiễm khuẩn đường mật có thể gây ra những biến chứng rất nặng như: viêm gan, áp xe gan mật, ung thư đường mật, rò túi mật, hoại tử túi mật, sốc, nhiễm khuẩn máu, viêm thận, suy thận…
Có hai nguyên nhân gây viêm đường dẫn mật là do vi khuẩn hoặc không do vi khuẩn. Nguyên nhân gây nhiễm vi khuẩn có thể là do nhiễm khuẩn từ ruột non, nhiễm trùng máu hoặc viêm nhiễm do kiểm tra nội soi. Các vi khuẩn thường gặp là: Coli (chiếm 70 - 80% các trường hợp), trực khuẩn, thương hàn, liên cầu, tạp khuẩn...
Nếu không do vi khuẩn thì cũng có nhiều yếu tố thuận lợi gây cản trở lưu thông đường mật từ đó gây ứ mật, viêm nhiễm như: sỏi mật, khối u lành hay ác tính của bóng Vater, dị dạng đường mật, do giun chui ống mật gây tắc và viêm.
Xem thêm: TPCN Kim Đởm Khang - Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa biến chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường mật: viêm gan, áp xe đường mật, ung thư đường mật, thủng túi mật...
Người bị viêm đường dẫn mật có thể thấy các triệu chứng như: đau dưới sườn bên phải với tính chất đau dữ dội, lan lên ngực, lên vai phải. Có khi vừa đau dưới sườn phải vừa đau vùng thượng vị. Sốt bất chợt không rõ nguyên nhân, có thể kèm những cơn rét run vã mồ hôi. Vàng da, niêm mạc mắt cũng vàng, nước tiểu vàng. Ba triệu chứng: đau, sốt, vàng da gọi là tam chứng Charcot. Bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi, ăn không tiêu, ngứa toàn thân. Khám thấy gan to mấp mé bờ sườn phải, ấn vào đau.
Nhiễm khuẩn đường mật gây đau vùng bụng
Xét nghiệm máu thấy bilirubin máu tăng, chủ yếu là tăng bilirubin kết hợp; bạch cầu tăng; tốc độ máu lắng tăng; phosphataza kiềm tăng. Xét nghiệm nước tiểu có muối mật, sắc tố mật. Xét nghiệm dịch mật màu xanh sẫm đục, tế bào mủ dương tính, cấy dịch mật có vi khuẩn mọc. Soi ổ bụng thấy gan có màu xanh sẫm, có những ổ mủ nhỏ, bờ gan tù trên mặt có giải fibrin; túi mật căng giãn tăng tưới máu hoặc ngược lại bị teo nhỏ.
Viêm đường dẫn mật có thể gây ra các biến chứng cấp tính sau:
- Hoại tử túi mật: tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tăng nặng; điểm túi mật đau; có thể bị trụy tim mạch.
- Thấm mật phúc mạc, bệnh nhân bị sốt cao, vàng da rõ, phản ứng co cứng thành bụng, mạch nhanh, huyết áp tụt.
- Chảy máu đường mật: bệnh nhân có đau sốt vàng da, nôn ra máu, cục máu có hình dài nâu như ruột bút chì. Shock mật: sốt cao, vàng da đậm, mạch nhanh, huyết áp tụt rất thấp, thiểu niệu, vô niệu, toàn trạng suy sụp nhanh chóng.
- Nhiễm khuẩn máu: sốt cao rét run nhiều, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, cấy máu thấy vi khuẩn mọc, bệnh nhân bị trướng bụng, vô niệu.
Bệnh còn gây các biến chứng mạn tính gồm:
- Áp-xe đường mật với triệu chứng sốt cao giao động, gan to và đau, soi ổ bụng thấy trên mặt gan có nhiều ổ áp-xe nhỏ.
- Viêm gan mật: có biểu hiện da vàng, gan to chắc, nhẵn, rối loạn tiêu hoá, chảy máu cam và chảy máu chân răng...
- Ung thư đường mật: bệnh nhân có vàng da ngày càng tăng, suy sụp cơ thể nhanh, chụp đường mật thấy tổn thương ung thư.
- Viêm thận, suy thận với các triệu chứng: đái ít, nước tiểu có trụ hạt, có hồng cầu, bạch cầu, albumin, phù mặt, urê máu tăng, creatinin tăng...
Bệnh nhân có dấu hiệu viêm đường mật cần được điều trị chuyên khoa, mức độ khẩn cấp phụ thuộc vào triệu chứng cấp tính. Viêm đường mật nhẹ cũng cần được lưu ý để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn huyết. Điều trị hỗ trợ, giảm đau và dùng kháng sinh theo kinh nghiệm trước khi cấy máu tìm vi khuẩn. Các trường hợp nặng, điều trị giảm áp lực đường mật là ưu tiên hàng đầu. Lựa chọn các phương pháp phẫu thuật, nội soi điều trị phụ thuộc và tình trạng bệnh nhân, khả năng và kinh nghiệm của từng bệnh viện. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị hỗ trợ và kháng sinh. Một số đòi hỏi các can thiệp thủ thuật cấp cứu như dẫn lưu qua da, lấy sỏi bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng ERPC.
Ở nước ta, điều kiện vệ sinh còn kém, viêm đường mật do sỏi là bệnh lý khá thường gặp, đặc biệt do bắt nguồn từ ký sinh trùng đường ruột như giun đũa. Vì vậy, mọi người cần ăn chín, uống sôi, rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh, tẩy giun định kỳ. Khi có bất kể các triệu chứng như trên cần đi khám để được điều trị kịp thời.
Ths.Bùi Quỳnh Nga
Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn