Sỏi mật và sỏi thận - sự khác biệt là gì?

Sỏi mật và sỏi thận là hai bệnh liên quan đến sự rối loạn chuyển hóa các chất. Rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa sỏi mật và sỏi thận vì đều là sỏi và có các triệu chứng tương tự nhau. Nhưng thực tế, sỏi mật khác sỏi thận hoàn toàn về nguyên nhân hình thành, thành phần, cách điều trị... Cùng phân biệt rõ ràng hai bệnh này qua bài viết dưới đây nhé.

Sỏi mật và sỏi thận có nhiều điểm khác biệt nên cần có cách điều trị khác nhau

Sỏi mật và sỏi thận có nhiều điểm khác biệt nên cần có cách điều trị khác nhau

Sỏi mật có nguyên nhân hình thành khác với sỏi thận

Sỏi mật là những viên sỏi hình thành trong túi mật hoặc đường dẫn mật. Nguyên nhân dẫn đến sỏi mật chủ yếu là do sự mất cân bằng của các thành phần trong dịch mật (cholesterol, nước, chất béo, protein, muối mật, và bilirubin).

Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng hình thành sỏi mật như chế độ ăn giàu chất béo; béo phì, giảm cân nhanh; dùng thuốc ngừa thai, thuốc hạ mỡ máu, nhiễm khuẩn đường mật, bệnh gan, tiểu đường...

Trong khi đó, sỏi thận xuất hiện khi các thành phần khoáng chất trong nước tiểu tích tụ lại với nhau thành dạng rắn.

Đến nay cơ chế hình thành sỏi thận vẫn chưa được làm rõ và có rất nhiều giả thiết liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các yếu tố nguy cơ sau đây giúp làm tăng khả năng hình thành sỏi thận:

  • Tình trạng bão hòa các chất hòa tan trong nước tiểu.

  • Tăng nồng độ các chất hoạt hóa và/hoặc giảm nồng độ các chất ức chế kết tinh

  • Thể tích nước tiểu giảm

  •  pH nước tiểu kiềm hóa hoặc acid hóa,...

Ngoài ra, những yếu tố di truyền, chế độ ăn, béo phì, tuổi tác, giới tính, chất bổ sung canxi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng thúc đẩy sự hình thành sỏi thận. Nam giới thường hay mắc sỏi thận hơn nữ giới.

Các triệu chứng giúp phân biệt sỏi mật và sỏi thận

Mặc dù sỏi mật và sỏi thận hình thành và ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau nhưng hai căn bệnh này lại có thể gây ra các triệu chứng gần tương tự nhau như nôn, buồn nôn, sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi. Để phân biệt hai bệnh này, bạn có thể căn cứ vào các dấu hiệu dưới đây..

Sỏi thận có triệu chứng điển hình là đau nặng ở bên sườn và lưng, tiểu buốt, tiểu dắt hoặc tiểu ra máu (nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu), tiểu đục, nước tiểu có mùi hôi.

Trong khi đó, dấu hiệu sỏi mật điển hình là các cơn đau đột ngột tăng lên ở vùng bụng trên bên phải của bạn trong vài phút đến vài giờ. Đau có thể lan ra trước ngực hoặc ra sau lưng kèm theo các triệu chứng như khó tiêu, đầy trướng, vàng da, vàng mắt do ứ trệ dịch mật

Đau tức hạ sườn phải là triệu chứng phân biệt sỏi mật và sỏi thận

Đau tức hạ sườn phải là triệu chứng phân biệt sỏi mật và sỏi thận

TPCN Kim Đởm Khang giúp bào mòn sỏi, hỗ trợ giảm đau, đầy chướng, khó tiêu, tránh phẫu thuật. Hãy gọi cho chúng tôi theo số 0963 022 986 - 0962 326 300  (trong giờ hành chính) để biết thông tin chi tiết

Sự khác nhau trong cách chẩn đoán sỏi thận và sỏi mật

Thông thường, chỉ cần siêu âm là đã có thể phát hiện bạn mắc sỏi mật hay sỏi thận. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác hơn, bác sĩ vẫn sẽ căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và một số xét nghiệm khác như sau:

  • Sỏi thận: Có thể được chẩn đoán bằng cách chụp CT, chụp X-quang, xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu. Với xét nghiệm máu, có thể cho thấy lượng canxi thừa hoặc acid uric trong máu. Còn đối với xét nghiệm nước tiểu, có thể phát hiện quá nhiều khoáng chất hình thành sỏi hoặc quá ít chất ức chế sỏi.

  • Sỏi mật: Có thể được chẩn đoán bằng cách siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hay nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).

Phương pháp điều trị sỏi mật khác sỏi thận

Dựa vào vị trí sỏi, kích thước, mật độ của sỏi và chức năng gan, thận, bệnh lý mắc kèm... mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị sỏi mật và sỏi thận bằng phương pháp điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.

Điều trị nội khoa (dùng thuốc uống, thay đổi chế độ ăn và lối sống) thường được chỉ định khi sỏi có kích thước nhỏ và chưa có triệu chứng hay biến chứng.

Khi sỏi đã gây biến chứng thì phẫu thuật là chỉ định tối ưu hơn. Với sỏi thận, các phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định gồm tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, phẫu thuật lấy sỏi… Còn với sỏi mật có thể là phương pháp cắt túi mật (nội soi hoặc mổ hở), nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), tán sỏi bằng laser...

Chế độ ăn cho người mắc sỏi mật và sỏi thận

Do nguyên nhân và bản chất của sỏi khác nhau nên chế độ ăn cho người bệnh mắc sỏi thận và sỏi mật cũng có nhiều điểm khác biệt.

Chế độ ăn cho người bệnh sỏi mật khác sỏi thận.

Chế độ ăn cho người bệnh sỏi mật khác sỏi thận.

Chế độ ăn cho người sỏi mật

- Hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol như phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, thịt mỡ, thịt đỏ,... Thay vào đó, bạn nên ăn các loại thịt trắng như cá, thịt gia cầm bỏ da, thịt nạc.

- Ăn nhiều chất xơ, bổ sung đa dạng vitamin trong rau xanh, hoa quả tươi để tránh tăng gánh nặng lên hoạt động gan mật, tốt cho tiêu hóa.

- Không nên kiêng chất béo hoàn toàn vì sự thiếu hụt chất béo cũng thúc đẩy sự hình thành sỏi mật. Đó là do dịch mật không được sử dụng thường xuyên mà ứ lại trong túi mật, dễ bị lắng đọng tạo sỏi. Tỷ lệ các chất dinh dưỡng đạm/ chất béo/ bột đường ở người mắc sỏi mật nên là 1/0,5/5.

- Những thực phẩm, đồ uống có tính kích thích như cà phê, rượu vang đỏ nếu uống với một lượng vừa phải sẽ tốt cho hoạt động gan mật nhưng nếu sử dụng với lượng lớn lại gây hại cho sức khỏe. Vì thế, người bệnh không nên quá lạm dụng.

Xem thêm: Sỏi mật nên ăn gì? Bệnh sỏi mật kiêng ăn gì?

Chế độ ăn cho người sỏi thận

- Uống nhiều nước: Bạn nên uống từ 2.5 - 3 lít nước mỗi ngày. Uống nhiều nước vừa giúp phòng tránh bị sỏi thận vừa giúp tống xuất những viên sỏi nhỏ nếu có.

- Ăn ít thịt động vật: Có thể ăn cá thay cho thịt, tôm cua có thể ăn với lượng vừa phải.

- Hạn chế các thực phẩm chức năng bổ sung canxi: Người mắc sỏi thận hoàn toàn có thể ăn các thực phẩm chứa canxi vì canxi trong thực phẩm ít ảnh hưởng đến sự hình thành sỏi thận nhưng với các chế phẩm bổ sung canxi thì nên thận trọng khi sử dụng.

- Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều oxalat như trà đặc, cà phê, socola, bột cám, ngũ cốc, rau muống để tránh tăng lắng cặn tạo nhân sỏi thận.

Dù có nhiều điểm giống nhau nhưng sỏi mật và sỏi thận cũng không thiếu điểm khác biệt. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về 2 loại bệnh này, từ đó có những kiến thức quan trọng để nâng cao hiệu quả điều trị.

Xem thêm: Những cách giúp loại bỏ sỏi mật không phẫu thuật

Tham khảo: Differencebetween.net, Floridamedicalclinic.com