Đối với người có lối sống ít vận động và khoai tây chiên, bánh mì kẹp thịt luôn có mặt trên bàn của họ mọi lúc thì nguy cơ sỏi túi mật là rõ ràng. Vậy còn những người có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, một lối sống năng động tại sao lại phát triển sỏi túi mật. Trong những trường hợp này, bệnh suy tuyến giáp có thể là thủ phạm!
Các hormone tuyến giáp rất quan trọng đối với nhiều chức năng trong cơ thể của con người bao gồm chức năng của gan và túi mật. Như vậy, khi tuyến giáp bị suy yếu hoặc kém hoạt động sẽ gây rối loạn chức năng gan mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sỏi.
Chức năng của gan và mật bị ảnh hưởng nhiều bới các hormone tuyến giáp
Trong nhiều thập kỷ vừa qua, tạp chí Tiêu hóa thế giới đã đưa ra nhiều giả thuyết về việc rối loạn hoạt động tuyến giáp có thể gây ra bệnh sỏi mật như:
- Suy giáp dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid, làm mất cân bằng các thành phần trong dịch mật và làm chậm dòng chảy của dịch mật.
- Suy giáp làm rối loạn hoạt động của cơ vòng Oddi. Cơ vòng Oddi hoạt động bình thường khi thụ thể hormon tuyến giáp và thyroxin gắn kết được với nhau. Nếu thiếu thyroxin hoặc thyroxin không gắn được vào thụ thể sẽ ảnh hưởng trược tiếp đến việc đóng mở cơ vòng Oddi.
Tất cả các yếu tố - mất cân bằng các thành phần trong dịch mật, giảm dòng chảy của dịch mật (ứ trệ dịch mật) và rối loạn đóng mở cơ vòng Oddi đều có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hình thành sỏi mật ở những người suy giáp.
Một nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Chuyển hóa và Nội tiết lâm sàng - Mỹ được tiến hành trên hơn 400 bệnh nhân, chia làm 2 nhóm – nhóm 1 là những bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ, nhóm 2 là những bệnh nhân nhập viện vì các vấn đề tiêu hóa khác, hoàn toàn không có sỏi. Kết quả cho thấy, khoảng 10,2% các bệnh nhân sỏi ống mật chủ được chẩn đoán bị suy tuyến giáp so với tỉ lệ 2,8% ở nhóm còn lại. Tỉ lệ này ở phụ nữ trên 60 tuổi có tiền sử sỏi ống mật chủ là 35,2% so với 3,6% ở nhóm chứng. Do vậy, việc tiến hành thêm xét nghiệm chẩn đoán bệnh suy giáp đối với các bệnh nhân nữ trên 60 tuổi bị sỏi ống mật chủ là điều cần thiết.
Trên tạp chí Gan - Tiêu hóa quốc tế cũng đã công bố 4 trường hợp bệnh nhân mất hoàn toàn sỏi mật sau 6 tháng điều trị bệnh suy giáp bằng hormon tuyến giáp. Điều này gợi ý rằng hormone tuyến giáp có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự hòa tan sỏi mật bằng cách thay đổi chuyển hóa cholesterol ở những người suy giáp.
Những thông tin này có thể gợi mở hướng điều trị mới cho bệnh nhân sỏi mật liên quan tới suy giáp và cảnh báo nguy cơ sỏi ống mật chủ ở những người đã bị suy giáp nhưng chưa được điều trị đúng cách.