Mang thai là điều vô cùng thiêng liêng đối với người phụ nữ, vì thế để bảo vệ con yêu, các mẹ bầu hãy cẩn thận với những biểu hiện “khó ở” lạ trong giai đoạn này, đặc biệt là khi cảm thấy ngứa, ngứa nhiều về đêm, nước tiểu sậm màu,… vì rất có thể đây là triệu chứng của căn bệnh nguy hiểm: Ứ mật thai kỳ.
Ứ mật thai kỳ là tình trạng dịch mật do gan sản xuất bị ứ đọng lại trong gan, thay vì chúng được di chuyển xuống đường ruột để hấp thu chất béo và các vitamin dạng dầu (vitamin A, E, D). Ứ mật do thai kỳ thường gặp trong 3 tháng cuối của quá trình mang thai, ở phụ nữ sinh đôi, sinh ba hoặc ở những phụ nữ đã mắc bệnh này trong lần sinh trước. Bệnh gặp khá phổ biến ở phụ nữ mang thai, với tỷ lệ 1/20 ở một số nước thuộc Nam Mỹ.
Nguyên nhân chính xác gây ứ mật thai kỳ chưa được xác định rõ ràng. Nhưng người ta nhận thấy yếu tố nội tiết và di truyền có ảnh hưởng lớn đến tình trạng này.
Yếu tố nội tiết: Mang thai làm thay đổi nội tiết tố ở người phụ nữ. Hai nội tiết tố nữ là estrogen và progesterone tăng lên trong máu gây rối loạn chức năng gan làm dịch mật lưu thông trong gan bị chậm lại. Các muối mật, bilirubin có trong túi mật sẽ thấm vào trong máu và kích thích gây ngứa dưới da.
Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu đã xác định có sự ảnh hưởng của yếu tố đột biến gen trong trường hợp này. Những phụ nữ trong gia đình có người mắc bệnh thì cũng sẽ có nguy cơ di truyền cao.
Yếu tố môi trường: Thống kê cho thấy có nhiều phụ nữ ứ mật thai kỳ trong những tháng mùa đông. Mặc dù lý do này chưa được rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có sự kích thích của môi trường trong vấn đề này như mùa đông làm giảm tiếp xúc với ánh nắng, sự thay đổi trong chế độ ăn...
- Phụ nữ đã từng bị bệnh sỏi mật hoặc có tiền sử bị bệnh gan
- Phụ nữ mang thai đôi, ba hoặc nhiều hơn.
- Người có yếu tố di truyền: có mẹ hoặc chị em gái từng mắc bệnh
- Phụ nữ ở các vùng Bắc Âu, Nam Mỹ, Chi-lê có nguy cơ mắc bệnh khoảng 15,6%.
Ngứa trầm trọng ở 3 tháng cuối mang thai có thể là do ứ mật thai kỳ
Ngứa nhẹ ở trên da, nhất là bụng, da đùi, thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhưng đó là do tăng lưu thông máu dưới da và rạn da trong quá trình mang thai, bạn không phải lo lắng. Nhưng nếu tình trạng ngứa trở nên nghiêm trọng, nó có thể là ngứa do ứ mật thai kỳ, tỷ lệ này ở phụ nữ mang thai là 1/100. Ngứa do ứ mật thai kỳ, có một số đặc điểm riêng biệt như sau:
- Ngứa trầm trọng là triệu chứng duy nhất, không kèm theo phát ban, nổi mẩn.
- Vết gãi do ngứa thường tạo thành vệt trên da – đây cũng là dấu hiệu để phân biệt ngứa do ứ mật với ngứa do các nguyên nhân khác.
- Vị trí bị có thể là toàn thân, nhưng xuất hiện nhiều nhất ở bàn tay, bàn chân.
- Mất ngủ có thể gặp phải khi bị ngứa trầm trọng
Một số triệu chứng khác ít gặp hơn, bao gồm:
- Mệt mỏi, chán ăn.
- Nước tiểu đậm hoặc vàng da nhẹ, do sự gia tăng tích tụ của bilirubin vào máu.
Rủi ro do ứ mật thai kỳ không chỉ là sự khó chịu cho bà mẹ mà còn có thể làm tăng nguy cơ cho thai nhi như: thai chết lưu, sinh non, suy thai, phân su trong nước ối. Trong đó, phân su trong nước ối khá nguy hiểm, nó dễ bị sặc vào đường hô hấp của thai nhi trong khi người mẹ chuyển dạ và gây viêm phổi cho bé ngay sau khi chào đời. Ứ mật thai kỳ cũng làm gia tăng nguy cơ xuất huyết cho các bà mẹ sau khi sinh, do làm cơ thể giảm hấp thu vitamin K.
Khám thai định kỳ giúp phát hiện kịp thời biến chứng ứ mật thai kỳ
- Một số kinh nghiệm cho thấy việc làm mát cơ thể có thể có tác dụng hữu ích để giảm ngứa, chẳng hạn như không để nhiệt độ phòng quá nóng, khi ngủ nên mặc đồ thoáng mát, nên tắm bằng nước lạnh trong bồn tắm, hoặc ngâm chân tay vào nước lạnh khi ngứa.
- Sử dụng thuốc uống: Ursodeoxycholic Acid (UDCA) là một acid mật tự nhiên và được sử dụng giảm ngứa trong điều trị ứ mật thai kỳ cho các bà mẹ mang thai trên 37 tuần tuổi. Tuy nhiên, rất ít bằng chứng cho thấy nó làm giảm rủi ro của ứ mật thai kỳ đến thai nhi. Sử dụng thuốc này có thể gặp tác dụng phụ như tiêu chảy.
+ Sử dụng kem bôi: Một số kem bôi như lotion calamine giúp giảm tạm thời các triệu chứng ngứa.
+ Bổ sung các vitamin K là cần thiết, do lượng vitamin K bị giảm bởi ứ mật thai kỳ. Điều này cần thiết để thai phụ không bị chứng rối loạn đông máu.
+ Khám thai thường xuyên hơn so với bình thường và xét nghiệm máu 2 tuần một lần nhằm kiểm tra chức năng gan và để theo dõi sức khỏe của thai nhi.
+ Quyết định sinh sớm: Bạn có thể được chỉ định sinh sớm trong các trường hợp ứ mật thai kỳ trầm trọng – thường ở tuần thứ 37 của thai kỳ.
Ứ mật thai kỳ chỉ khỏi hoàn toàn khi các triệu chứng biến mất và xét nghiệm gan trở lại bình thường sau khi sinh.
Hỗ trợ chẩn đoán: Dựa vào tiền sử gia đình bạn, nếu có chị em gái hoặc mẹ mắc chứng ứ mật thai kỳ thì bạn có thể có nguy cơ cao.
Xét nghiệm: Phân nhạt màu hoặc nước tiểu sẫm màu, máu, gan, muối mật trong huyết, nguyên nhân gây ngứa chẳng hạn như dị ứng hay eczema. Đối với những phụ nữ mắc bệnh viêm gan C thì sẽ có nguy cơ phát triển bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm của bạn cho thấy bạn bị viêm gan siêu vi, hay các bệnh về gan khác thì bạn nên điều trị ngay các bệnh này.
Xét nghiệm đông máu: Có thể phản ánh cho bạn sự thiếu hụt vitamin K cần thiết trong cơ thể.
Siêu âm gan: Là phương pháp thông dụng và an toàn với các bà mẹ, giúp phát hiện ra những bất thường của gan hoặc ở các cơ quan khác.
Tuy là căn bệnh không gây nguy hiểm cho mẹ nhưng lại gây rủi ro rất lớn cho thai nhi. Chính vì vậy, các mẹ cần hết sức chú ý, siêng năng đi khám thai định kỳ để bảo đảm sức khỏe cho con yêu của mình đến khi bé được chào đời một cách an toàn nhất.
Nguồn tham khảo: http://www.news-medical.net/ http://www.liverfoundation.org/