Tại sao mỗi lần siêu âm polyp túi mật lại có kích thước khác nhau

  • Icon

    Cách đây mấy ngày tôi đi siêu âm phát hiện polyp túi mật 8x15mm và có chỉ định mổ. Sau đó tôi xin giấy chuyển viện dưới huyện lên bệnh viện tỉnh để nhập viện mổ, siêu âm lại thì cho kết quả kích thước polyp 3x7 mm nên BS nói không cần mổ và cho về. Xin hỏi tại sao mỗi lần siêu âm thông tin lại sai lệch như thế? Khi bị polyp túi mật thì cách điều trị thế nào?

    Icon

    Chào bạn,

    Thực tế, kết quả siêu âm phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật viên hoặc BS siêu âm (có người siêu âm kỹ, giỏi sẽ khác với người siêu âm sơ sài; đặc biệt ngay cả cùng 1 người nhưng siêu âm 2 lần khi kết quả cũng có thể khác nhau nhất là với những trường hợp khó như đa polyp, polyp túi mật kích thước nhỏ). Ngoài ra, kết quả siêu âm cũng thay đổi liên tục theo diễn biến của bệnh, siêu âm quan sát túi mật vào lúc đói cũng khác lúc no nên việc đo kích thước polyp cũng có sự dao động đáng kể giữa các lần siêu âm. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh polyp túi mật và cách điều trị.

    Tìm hiểu bệnh polyp túi mật

    Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến mật, là một dạng tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Hầu hết các polyp túi mật thường không gây ra triệu chứng gì, ngoại trừ khi polyp có biến chứng như viêm nhiễm hay tắc mật thì sẽ đau nhiều, sốt… Tuy nhiên cũng có những polyp tăng kích thước nhanh, đa polyp hay kích thước polyp > 10 mm, nhất là loại không có cuống thì sẽ có nguy cơ sẽ chuyển thành ác tính (nhiều năm sau đó) thì sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.

    Như vậy, polyp túi mật của bạn theo kết quả siêu âm lần đầu là lớn (dù chưa có triệu chứng gì) nhưng bác sĩ dựa vào kết quả này và khuyên mổ cắt túi mật là có cơ sở. Tuy nhiên, kết quả siêu âm lần sau thì kích thước còn nhỏ nên chưa cần mổ. Tóm lại, ở trường hợp của bạn bệnh cũng không phải là khẩn cấp và bác sĩ ở Bệnh viện tỉnh là người có quyết định cuối cùng nên nếu không có chỉ định mổ thì chưa cần mổ mà chỉ cần tái khám 6 tháng/lần để theo dõi tiến triển của bệnh.

    Xem thêm:

    Điều trị polyp túi mật

    Một số lưu ý về chế độ ăn uống khi mắc polyp túi mật

    Trong quá trình theo dõi, bạn lưu ý thêm đến chế độ ăn uống hợp lý để hạn chế rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đầy trướng, khó tiêu… bằng cách hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, phủ tạng động vật; ăn nhiều rau xanh, chất xơ; uống đủ nước và tích cực vận động.

    Để hiểu rõ hơn về chế độ ăn uống cho người mắc polyp túi mật, bạn đọc thêm trong bài viết sau:

    https://soimat.vn/bai-viet/che-do-dinh-duong/che-do-an-tot-nhat-cho-nguoi-benh-polyp-tui-mat.html

    Thân mến!


Câu hỏi chuyên gia