Kích thước sỏi ống mật chủ lớn làm tắc nghẽn đường mật, gây ra các biến chứng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Sỏi ở ống mật chủ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ngoài tắc mật cấp tính thì vẫn có giai đoạn ổn định tạm thời mặc dù vẫn còn sỏi trong ống mật chủ. Ở giai đoạn ổn định dịch mật lưu thông trở lại, các triệu chứng đau, sốt, vàng da cũng giảm dần và hết hẳn. Nhưng những đợt viêm cấp vẫn có thể tái phát trở lại vì nguyên nhân gây tắc mật là sỏi vẫn chưa được giải quyết. Những biến chứng nguy hiểm của sỏi này bao gồm:
- Viêm đường mật, viêm túi mật: Do vi khuẩn đường mật gây ra. Khi kích thước sỏi ống mật chủ lớn sẽ làm tắc nghẽn, ứ đọng dịch mật ở đường mật trong gan, ống mật, túi mật. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ và gây nhiễm trùng, viêm đường mật.
- Chảy máu đường mật: Tắc nghẽn đường mật do sỏi sẽ gây ứ mật trong gan và suy giảm chức năng gan. Mặt khác, nhiễm trùng đường mật gây tổn thương thành ống dẫn mật, do đó cũng gây tổn thương các mạch máu, dễ dẫn đến chảy máu đường mật. Vì vậy, chảy máu đường mật là biến chứng rất dễ xảy ra trong nhiễm trùng đường mật.
- Viêm mủ đường mật: Tắc mật gây nhiễm khuẩn đường mật và ngược lại, do đó nếu bệnh không được phát hiện sớm thì tình trạng nhiễm trùng sẽ ngày càng nặng hơn và tạo thành các ổ mủ, viêm nặng. Những trường hợp viêm mủ đường mật người bệnh bị đau rất nhiều vùng mạn sườn phải, mạch nhanh, sốt cao, dịch mật có mủ.
Sỏi ống mật chủ có thể gây biến chứng ở đường mật, túi mật, gan, tụy
- Áp xe đường mật, áp xe gan: Nhiễm trùng đường mật ngoài gan tiến triển nặng sẽ gây áp xe đường mật và ổ mủ sẽ đi ngược lên đường mật trong gan, tạo thành áp xe gan. Đây là một trong những biến chứng rất nặng, người bệnh thường đau dữ dội vùng hạ sườn phải, gan lớn.
- Viêm phúc mạc mật: Tắc nghẽn dịch mật gây tăng áp lực trong đường mật và nhiễm trùng gây giãn túi mật, phù nề thành đường mật sẽ làm dịch mật thấm dần vào phúc mạc. Dịch mật nhiễm khuẩn vào ổ bụng, khu trú ở hạ sườn phải hoặc lan ra khắp ổ bụng gây viêm phúc mạc. Đây là biến chứng rất nguy hiểm, cần phải can thiệp ngoại khoa cấp cứu kịp thời.
- Sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết: Là biến chứng rất nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh được chẩn đoán khi người bệnh có các dấu hiệu tiên lượng xấu như: nhịp nhanh > 100 lần/phút, huyết áp thấp với huyết áp tối đa thường thấp hơn nhịp mạch, sốt cao > 39°C, thở nhanh và nông, rối loạn chi giác… và tìm thấy vi khuẩn trong máu.
- Viêm tụy cấp: Là biến chứng ít gặp, do sỏi bị mắc kẹt ở ngã ba tụy mật, đoạn gần cuối ống mật và gây trào ngược dịch mật vào tụy.
- Hội chứng gan thận: Đây là biến chứng nhiễm trùng nặng nhất do sỏi ống mật chủ gây ra. Người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao và cần được điều trị chăm sóc đặc biệt với các biện pháp hỗ trợ chức năng gan, thận, kết hợp với điều trị nhiễm trùng.
Các biến chứng do sỏi ống mật chủ gây ra đều có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó mục tiêu điều trị chính của bệnh là loại được sỏi; phòng ngừa các biến chứng và cải thiện các triệu chứng cho người bệnh.
Sỏi ống mật chủ chưa triệu chứng hoặc chỉ có những cơn đau quặn mật đơn thuần chưa có nhiễm trùng thường sẽ được chỉ định lấy sỏi bằng nội soi hoặc phẫu thuật theo chương trình – Những trường hợp cấp cứu như viêm đường mật cấp, việc điều trị bắt đầu bằng nội khoa bảo tồn trước khi lấy sỏi đường mật. Phương pháp điều trị cụ thể còn tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, tuy nhiên đều tuân theo một số quy tắc sau:
- Điều trị nhiễm trùng triệt để bằng kháng sinh: Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường mật chủ yếu là E. coli, một số trường hợp có thể là Bacteroides, Clostridium. Do vậy, trong điều trị cần sử dụng kháng sinh liều cao, kết hợp với một số loại kháng sinh đặc trị. Nếu phác đồ kháng sinh phù hợp, người bệnh sẽ nhanh chóng hạ sốt và cần điều trị đúng một lộ trình để tiêu diệt vi khuẩn triệt để.
- Tăng sức đề kháng, miễn dịch cho người bệnh trước và sau khi điều trị, phẫu thuật.
- Giảm áp lực đường mật, tạo lưu thông đường mật bằng cách:
+ Dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da.
+ Dẫn lưu mũi – mật qua nội soi mật tụy ngược dòng.
+ Phẫu thuật mở bụng vào ống mật chủ để đặt ống Kehr: chỉ sử dụng trong trường hợp 2 phương pháp trên không thực hiện được.
- Sau đó, tiến hành can thiệp hoặc phẫu thuật lấy sỏi ra khỏi đường mật.
Phương pháp can thiệp hoặc phẫu thuật lấy sỏi ống mật chủ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo lấy hết sỏi và lưu thông dịch mật tốt. Các phương pháp được thực hiện bao gồm:
+ Phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Là phương pháp tối ưu nhất, với tỉ lệ thành công là 90%. Tuy nhiên trong quá trình phẫu thuật, khoảng 5 – 8% trường hợp xuất hiện tai biến nhiễm trùng đường mật, viêm tụy, chảy máu, thủng tạng rỗng… và gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Phương pháp này không được sử dụng trong một số trường hợp như: Sỏi lớn, sỏi dính vào đường mật, số lượng sỏi > 5 viên, hẹp ở đoạn cuối ống mật, sỏi trong gan, đã có biến chứng viêm tụy cấp, người bệnh rối loạn đông máu hay có tiền sử cắt dạ dày.
+ Phẫu thuật nội soi mổ ống mật chủ lấy sỏi: Đây là một trong những phẫu thuật ngoại khoa kinh điển được áp dụng trong điều trị sỏi ống mật chủ nhằm mục đích lấy hết sỏi, tái lưu thông dịch mật. Phương pháp này khá tối ưu lấy được sạch sỏi, tuy nhiên đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và phẫu thuật viên có trình độ, kinh nghiệm tốt mới có thể tiến hành một cách an toàn, hiệu quả.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt đóng vai trò không nhỏ đến hiệu quả điều trị và phòng ngừa sỏi mật, sỏi ống mật chủ. Vì thế, những người mắc bệnh dù đã phẫu thuật lấy sỏi hay chưa thì cũng cần có một chế độ ăn uống - sinh hoạt hợp lý, khoa học.
- Về chế độ ăn uống: Người bệnh cần ăn uống điều độ, ăn đúng bữa, đủ bữa. Đặc biệt không nhịn ăn sáng để mật được tiết ra liên tục, không gây lắng đọng tạo thành sỏi. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo, cholesterol (một trong những nguyên nhân hình thành sỏi mật), đồng thời tăng cường rau xanh, quả tươi, chất xơ sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và phòng ngừa táo bón. Các thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi và định kì tẩy giun 6 tháng một lần.
- Về chế độ luyện tập: Người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp tăng hoạt động cơ, tăng nhu động mật, do đó giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm sự ứ trệ dịch mật. Bên cạnh đó còn giúp tăng sức đề kháng, miễn dịch của cơ thể và nâng cao sức khỏe toàn trạng.
- Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật: Sau phẫu thuật, người bệnh thường chỉ ăn nhẹ trong khoảng 24h cho đến khi đi trung tiện. Bên cạnh đó, cần được theo dõi thường xuyên trong 1 tuần để đánh gía hiệu quả phẫu thuật và có thể phát hiện sớm biến chứng nếu có. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ. Mặt khác, sỏi vẫn có khả năng tái phát sau phẫu thuật nên người bệnh luôn phải lưu ý đến chế độ ăn uống, luyện tập của mình.
- Định kì khám sức khỏe: Sỏi ống mật chủ là bệnh thường ít xuất hiện các triệu chứng hay chỉ xuất hiện các triệu chứng mơ hồ như đầy chướng, chậm tiêu. Hầu hết các trường hợp đều được tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kì hoặc khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng thì mới được phát hiện. Do vậy, tốt nhất nên định kì 3 – 6 tháng thăm khám sức khỏe tổng thể một lần hoặc khi thường xuyên xuất hiện chứng đầy chướng, chậm tiêu thì nên sớm khám chuyên khoa tiêu hóa. Bệnh nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn sỏi mới hình thành, kích thước nhỏ sẽ giúp quá trình điều trị thuận lợi hơn, người bệnh có thể chung sống hòa bình với sỏi mà không cần phẫu thuật và có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng xuất hiện.
Uất kim – thảo dược khắc tinh của bệnh gan mật
- Thảo dược hỗ trợ: Bệnh sỏi mật ở giai đoạn nhẹ, chưa cần can thiệp phẫu thuật thì thường không cần phải sử dụng thuốc điều trị hoặc chỉ sử dụng thuốc làm tan sỏi nếu là sỏi cholesterol. Người bệnh có thể tham khảo kết hợp sử dụng một số thảo dược có tác dụng tăng cường chức năng gan mật, hỗ trợ bài sỏi, giảm và cải thiện triệu chứng đau bụng, đầy trướng, chậm tiêu do sỏi gây ra với 8 thảo dược quý như: Uất kim, Chi tử, Nhân trần, Kim tiền thảo, Diệp hạ châu, Hoàng bá, Chỉ xác, Sài hồ.
Biến chứng sỏi ống mật chủ đôi khi rất nguy hiểm vì thế bất cứ ai cũng không nên lơ là khi mắc bệnh. Bằng những biện pháp đơn giản như có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, kết hợp sử dụng thêm thảo dược hỗ trợ sẽ góp phần đẩy lùi biến chứng, triệu chứng sỏi gây ra.
Xem thêm:
Thông tin về TPBVSK Kim Đởm Khang.
8 thảo dược quý trị bệnh sỏi mật
Trích nguồn: http://mpshcmc.com
*Lưu ý: Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế chẩn đoán và chỉ định điều trị của bác sĩ.