Tác dụng phụ của vaccine COVID-19: Bạn cần làm gì nếu gặp phải?

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam đã bắt đầu khởi động tại TP.HCM với hơn 800.000 liều vaccine. Theo các chuyên gia, vaccine COVID-19 có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ trong 12 - 48 giờ đầu sau tiêm. Nắm rõ các tác dụng phụ này là gì và biết cách xử trí sẽ giúp bạn tránh được những lo lắng, mệt mỏi không cần thiết.

Tác dụng phụ của vaccine COVID-19 thường xuất hiện trong 12 - 48h sau tiêm

Tác dụng phụ của vaccine COVID-19 thường xuất hiện trong 12 - 48h sau tiêm

Các tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine COVID-19

Các loại vaccine COVID-19 Bộ Y Tế đang sử dụng cho chiến dịch tiêm chủng hiện nay (Astrazeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna…) ít gây sốc phản vệ hay các tác dụng phụ nghiêm trọng khác. Theo thống kê, tỷ lệ gặp tai biến khi tiêm vaccine Astrazeneca là 25 người/1 triệu người dùng, vaccine Pfizer là 5-6 người/1 triệu người dùng. So với những rủi ro mà COVID-19 gây ra, tỷ lệ tai biến do vaccine thấp hơn nhiều và nằm trong mức chấp nhận được.

Đa phần người tiêm vaccine COVID-19 chỉ gặp các tác dụng phụ nhẹ bao gồm:

  • Đau, mẩn đỏ, sưng tấy tại vị trí tiêm
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu, đau cơ
  • Sưng hạch bạch huyết ở vùng dưới cánh tay gần vết tiêm
  • Sốt, ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt.

Ngoài ra, một số báo cáo cho thấy người tiêm vaccine COVID-19 có thể bị sưng mặt, “sương mù não” (hội chứng rối loạn chức năng tập trung và ghi nhớ, khiến cơ thể dễ nhầm lẫn, mất phương hướng), xuất hiện những giấc mơ kỳ lạ, liệt bell… Nhưng tỷ lệ gặp cực kỳ hiếm.

Các chuyên gia cho biết, việc bạn gặp tác dụng phụ sau tiêm không hẳn là xấu. Những biểu hiện như sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi… là dấu hiệu cho thấy vaccine đang phát huy tác dụng. Vì vậy đừng quá lo lắng nếu bạn không may gặp các tác dụng phụ này. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn đối phó với chúng và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Hầu hết các tác dụng phụ của vaccine COVID-19 đều nhẹ và có thể tự hết

Hầu hết các tác dụng phụ của vaccine COVID-19 đều nhẹ và có thể tự hết

Cách giảm bớt tác dụng phụ của vaccine COVID-19

Để giảm đau và cảm giác khó chịu ở vị trí tiêm, bạn hãy áp khăn sạch, mát và ẩm lên khu vực đó. Nếu bị sốt, mệt mỏi, bạn cần uống thật nhiều nước và nghỉ ngơi nhiều hơn.

Một số loại thuốc không kê toa như ibuprofen, acetaminophen, aspirin và kháng sinh histamin có thể giúp bạn giảm đau, sốt, sưng sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên bạn chỉ nên dùng chúng nếu gặp tác dụng phụ sau tiêm. Tuyệt đối không tự ý uống trước khi tiêm vì chúng không những không ngăn ngừa được các dụng phụ mà còn có thể làm kết quả khám sàng lọc trước tiêm bị sai lệch.

Về chế độ ăn, hãy ăn nhạt hơn, ưu tiên đồ ấm, chia nhỏ bữa ăn và bổ sung nhiều loại rau củ, trái cây, đạm thực vật. Điều này vừa giúp bạn giảm cảm giác buồn nôn mà còn cung cấp các vi chất tốt cho hệ miễn dịch, từ đó giúp bạn phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

Thông tin hữu ích cho bạn: Sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên ăn gì, kiêng gì?

Khi nào bạn cần gọi bác sĩ hoặc quay lại cơ sở y tế?

Các tác dụng phụ của vaccine COVID-19 thường tự biến mất sau 1 - 2 ngày. Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đến ngay các cơ sở y tế nếu:

  • Các tác dụng phụ thường gặp diễn biến nặng lên: sốt cao từ 39*C không giảm, sưng/đỏ lan rộng quanh chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tụt huyết áp hoặc huyết áp tăng cao đột biến...
  • Xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng: tê quanh môi/lưỡi, phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da, ngứa/căng cứng/tắc nghẹn/khản đặc ở họng, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng, thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho, mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm mặt mày, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp.

Nhìn chung, các tác dụng phụ của vaccine COVID-19 thường nhẹ và tự biến mất sau vài ngày. Ngay cả khi bạn gặp tác dụng phụ trong lần tiêm vaccine thứ 1, bạn vẫn nên tiêm tiếp mũi vaccine thứ 2 theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Khi đi tiêm lần 2, hãy nhớ nói cho bác sĩ các phản ứng mà bạn gặp phải trong lần 1, bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên chính xác nhất.

Thông tin hữu ích cho bạn: COVID-19 nguy hiểm như thế nào?

Tham khảo: who.int, benhvienquany105.vn, vietnamese.cdc.gov