Sỏi mật có thể gây tắc ruột - Biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm

Sỏi mật ruột là tình trạng sỏi mật làm thủng túi mật và di chuyển xuống ruột gây tắc hoặc thủng ruột. Tỉ lệ tử vong do sỏi mật ruột lên tới 20%.

Sỏi mật có thể gây thủng ruột?

Sỏi mật ruột là một trong những biến chứng của sỏi mật, và là nguyên nhân gây tắc nghẽn đường ruột, thủng ruột. Yếu tố độ tuổi và giới tính có liên quan chặt chẽ tới khả năng mắc phải bệnh này: Có tới 25% các trường hợp tắc ruột gặp ở những người trên 65 tuổi, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Đồng thời, nguy cơ tử vong cũng cao hơn ở những người mắc kèm bệnh tiểu đường hoặc tim mạch.

Sỏi tồn tại lâu ngày trong túi mật gây viêm thành túi mật, tạo lỗ rò ở vị trí tiếp giáp giữa túi mật và ruột, sau đó sỏi di chuyển vào đường tiêu hóa, gây tắc ruột cơ học một phần hoặc hoàn toàn. Các vị trí của ruột có thể bị tắc hoặc thủng bao gồm: Tá tràng, dạ dày, đại tràng và hỗng tràng.

Dấu hiệu nhận biết sỏi mật ruột

Thông thường, có rất ít triệu chứng lâm sàng báo hiệu sự hình thành lỗ rò sỏi vào đường ruột. Tuy nhiên, khi sỏi đã vào tới đường ruột, người bệnh có thể gặp phải các cơn đau bụng nặng dần, sau đó chuyển sang buồn nôn và nôn. Diễn biễn của các triệu chứng xảy ra phụ thuộc chủ yếu vào kích thước và hình dạng của sỏi:

- Sỏi lớn sẽ gây các triệu chứng kéo dài: trướng bụng, nôn, chán ăn.. - Sỏi nhỏ hơn có thể ra khỏi đường ruột mà không gây triệu chứng nghiêm trọng. - Nếu sỏi không tròn mà ở dạng nhánh hoặc dải, thành sắc sẽ gây tổn thương, kích ứng tại chỗ nghiêm trọng, gây phù nề và hoại tử ruột cùng với sự xuất hiện các cơn co thắt liên tục.

Đôi khi, các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng… của người bệnh có thể được giảm bớt nếu sỏi di chuyển xuống đoạn ruột phía dưới.

Phương pháp chẩn đoán

- X-quang hoặc siêu âm ổ bụng có thể phát hiện được tình trạng tắc ruột nhỏ, không khí trong đường mật, túi mật và tiếng cản âm của sỏi mật. - Chụp cắt lớp vi tính: Có độ chính xác cao trong chẩn đoán phát hiện sỏi mật trong ruột non, tình trạng tắc mật và các bệnh lý khác của đường mật, ruột – các yếu tố góp phần tăng thêm độ nguy hiểm của sỏi mật. - Xét nghiệm máu: Nên kiểm tra công thức máu đầy đủ, Creatinine, Ure máu và chức năng gan. - Đối với người cao tuổi, cần chụp X – quang tim phổi, điện tâm đồ để phát hiện bệnh lý tim mạch mắc kèm và cân nhắc phẫu thuật...

Sỏi mật ruột dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa

Đau bụng kèm theo nôn mửa là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau, do đó cần kiểm tra cẩn thận vùng bụng, các thuốc bệnh nhân đang dùng và phân biệt với một số bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến khác như:

- Viêm loét dạ dày tá tràng: Đặc trưng bởi cơn đau bụng lan tỏa vùng thượng vị và có thể chẩn đoán bằng nội soi.

- Viêm túi mật: Đặc trưng cơn đau hạ sườn phải, sau đó lên vai, có thể chẩn đoán bằng siêu âm túi mật. Đa số các trường hợp viêm túi mật đều do sỏi mật.

Viêm túi mật có thể bị chẩn đoán nhầm với sỏi mật ruột

- Viêm tụy: Cơn đau lan tỏa thành vùng như một vành đai xung quanh bụng trên, kết quả xét nghiệm cho nồng độ lipase cao. - Thiếu máu ruột cục bộ: Đặc trưng bởi đau lan tỏa kèm theo tiêu chảy.  

Điều trị

Người bệnh cần được nhập viện nếu có các dấu hiệu bất thường như đau bụng nặng dần, nôn, buồn nôn, tiêu chảy…

- Bệnh nhân sẽ được truyền tĩnh mạch để bù nước và giảm biến chứng khi phẫu thuật. - Cân nhắc đặt ống thông mũi - dạ dày để giảm áp lực dạ dày và hạn chế tình trạng nôn. - Nên tiến hành đồng thời 2 việc là loại bỏ tắc nghẽn ruột và sỏi mật, có thể cắt túi mật ở những người viêm túi mật mạn tính không có tiền sử bệnh tim mạch để tránh tình trạng sỏi mật ruột tái diễn. Phẫu thuật nội soi có thể được tiến hành cùng với việc đặt stent bịt lỗ rò.

Tỉ lệ tử vong do sỏi mật ruột khá cao (lên tới 20%), chủ yếu gặp ở người già và người có thể trạng yếu, do đó nên phát hiện sớm và điều trị kịp thời để người bệnh được hồi phục sớm.

Thông tin cho bạn: 13 thực phẩm tốt cho gan, giúp giải độc gan

Nguồn tham khảo: http://www.medscape.com/
http://www.patient.co.uk/
http://www.nature.com/
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/

Chia sẻ bệnh nhân trị sỏi mật