Hỏi đáp với chuyên gia

Câu hỏi chuyên gia

  • Icon

    Biến chứng tổn thương đường mật sau phẫu thuật cắt túi mật

    Chào bác sỹ, bố tôi năm nay 55 tuổi, tháng 6 vừa qua bố tôi có làm phẫu thuật cắt bỏ túi mật do có quá nhiều sỏi nhỏ bên trong khiến bố tôi bị đau quặn vùng dưới gan, sốt, ốm và gầy đi do không ăn được gì. Sau khi cho bố tôi phẫu thuật cắt túi mật tưởng rằng bệnh sẽ khỏi. Nhưng sau khoảng 3 tuần sau khi cắt bỏ túi mật thì bố tôi có hiện tượng nôn ra máu, vẫn đau bụng vùng cắt túi mật và phân có màu đen. Vậy xin hỏi tại sao bố tôi lại bị như vậy và tình trạng này có nguy hiểm tới tính mạng bố tôi không?
    Icon
    Chào bạn,
    Theo như các triệu chứng bạn miêu tả, tôi thấy rất có thể bố bạn đã bị biến chứng chảy máu đường mật sau cắt bỏ túi mật. Đây là một biến chứng rất hiếm gặp, chỉ xảy ra trong khoảng 0,2% - 0,5% trường hợp ở những bệnh nhân sau cắt bỏ túi mật. Nguyên nhân là do các mạch máu bị tổn thương dưới các tác động vật lý, nhiệt học và hóa học trong quá trình nội soi ổ bụng. Chảy máu đường mật sau cắt túi mật thường xảy ra như một kết quả của tổn thương nang gan hoặc thành động mạch gan phải. Chấn thương của thành ống mật chung cũng được cho là có thể gây ra chảy máu đường mật. Chảy máu đường mật được xem như một biến chứng muộn của việc cắt bỏ túi mật, thường xảy ra 4 tuần sau khi phẫu thuật. Trong trường hợp chảy máu nặng, tỷ lệ tử vong có thể cao đến 50%.
    Tuy nhiên các triệu chứng như nôn ra máu, phân đen cũng có thể do rất nhiều các nguyên nhân khác từ bệnh của hệ thống tiêu hóa. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn phải đưa bố đến ngay các cơ sở y tế để được khám xác định rõ nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
    Nếu đúng là biến chứng chảy máu đường mật sau cắt túi mật thì có thể được xử trí bằng cách thắt mạch và ERCP, sẽ cho một kết quả tốt.
    Chúc bạn và bác nhà sức khỏe!
    Thân!
  • Icon

    Viêm túi mật cấp có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

    Bố tôi 65 tuổi, cách đây 2 ngày đột nhiên ông bị đau quặn bụng, nhập viện bác sĩ kết luận bị viêm túi mật cấp, hiện bố tôi vẫn đang nằm viện điều trị. Tôi rất lo lắng, không biết bệnh này có nguy hiểm không và cách điều trị nào giúp bố tôi mau khỏe? Xin cảm ơn BS!
    Icon
    Chào Huyền Trang,
    Viêm túi mật cấp là một bệnh cấp cứu về tiêu hóa, thường do sỏi mật gây nên. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh. Các biến chứng thường gặp là viêm mủ túi mật, ứ nước túi mật, hoại thư và thủng túi mật.
    Khi bị viêm túi mật cấp tính bắt buộc bệnh nhân phải nhập viện để điều trị. Thuốc điều trị chính trong trường hợp này là kháng sinh để chống nhiễm trùng và một số thuốc để làm giảm các triệu chứng buồn nôn, đau bụng như thuốc giảm đau, giãn cơ. Theo thống kê cho thấy, thì sau khi điều trị có tới khoảng 25% trong tổng số người bị viêm túi mật cấp tính bị tái phát lại trong vòng một năm và 60% số người tái phát lại trong vòng 6 năm. Các đợt viêm cấp tính lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến viêm túi mật mạn tính. Trường hợp viêm túi mật thể nặng - khi đã có biến chứng, các bác sĩ sẽ buộc phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ túi mật.
    Với bệnh nhân viêm túi mật cấp tính, cần để cho túi mật nghỉ ngơi bằng cách loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo và protid trong chế độ ăn vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp. Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, cho thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền. Nên ăn nhạt, nhiều chất xơ để chống táo bón, có thể cho ăn sữa đã tách bơ.
    Chúc bác trai sớm bình phục!
  • Icon

    Men gan tăng cao có nguy hiểm không? Nguyên nhân là gì?

    Tôi đi xét nghiệm máu thì phát hiện men gan tăng cao. Bác sĩ cho tôi hỏi men gan tăng có thể do những nguyên nhân gì? và có nguy hiểm không?
    Icon
    Chào bạn,
    Men gan do tế bào gan sản xuất ra, khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa thì có một lượng men gan được phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 40U/l và chỉ số này gần như cố định ở người bình thường. Khi men gan tăng chứng tỏ có hiện tượng bất thường xảy ra đối với tế bào gan.
    Có rất nhiều nguyên nhân gây tăng men gan như viêm gan virut; uống rượu, bia; ngộ độc thuốc; các bệnh về đường mật (viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi đường mật trong gan, teo đường mật bẩm sinh) hoặc áp-xe gan…
    Sự gia tăng men gan có nghĩa là ở một chừng mực nào đó tế bào gan đã bị ảnh hưởng. Có thể là ảnh hưởng nhẹ, men gan tăng có tính chất tạm thời. Nhưng cũng có thể là một mối nguy hiểm đe dọa đối với cơ thể nếu men gan tăng có tính chất trường diễn, hoặc tăng một cách đột biến, chứng tỏ ở giai đoạn đó tế bào gan đang bị tổn thương.
    Vì vậy, trước mắt bạn cần đến gặp bác sĩ để được làm xét nghiệm tổng thể, giúp tìm ra nguyên nhân chính xác và có hướng điều trị phù hợp. Đồng thời trong giai đoạn này nên kiêng rượu bia, hoặc ngưng sử dụng các loại thuốc nếu có như thuốc lao, thuốc mỡ máu… để hạn chế tối đa các tác nhân gây độc cho tế bào gan.
    Chúc bạn sức khỏe!
  • Icon

    Polyp túi mật là bệnh gì? Cách điều trị như thế nào?

    Chào bác sĩ, tôi đi khám bệnh và phát hiện bị polyp túi mật. Cho tôi hỏi polyp túi mật là bệnh gì? Cách điều trị polyp túi mật như thế nào?
    Icon
    Chào bạn,
    Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi cho chúng tôi, về thắc mắc của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau.
    Polyp túi mật là những u nhú trong thành túi mật
    Polyp túi mật là sự xuất hiện của các hình thái tổ chức xuất phát từ thành túi mật phát triển lồi vào trong lòng túi mật, hay nói đơn giản là cục thịt thừa trong túi mật, đa phần do cholesterol cấu thành. 92% trường hợp có polyp túi mật là lành tính, rất hiếm khi gặp ác tính (ung thư).
    Các phương pháp điều trị polyp túi mật
    Về điều trị polyp túi mật thông thường polyp túi mật kích thước nhỏ hơn 10 mm là lành tính và không cần điều trị. Hiện tại cũng không có thuốc điều trị làm tan polyp. Chỉ trong trường hợp có những cơn đau quặn mật, hoặc polyp có đường kính lớn hơn 10 mm hoặc đường kính tăng lên gấp đôi so với lần phát hiện ban đầu, thì mới chỉ định phẫu thuật. Tốt nhất bạn nên theo dõi siêu âm mỗi 6 tháng/ 1 lần để đánh giá. Để hiểu rõ hơn về bệnh polyp túi mật, bạn đọc thêm trong bài viết sau:
    https://soimat.vn/bai-viet/thong-tin-benh/polyp-tui-mat.html
    Chúc bạn sức khỏe!
  • Icon

    Ngồi nhiều, ít vận động có dễ bị sỏi mật? Cách khắc phục?

    Tôi làm công việc văn phòng nên phải ngồi nhiều, ít đi lại, vận động. Tôi nghe nói những người làm việc văn phòng như tôi rất dễ bị. Cho tôi hỏi điều này có đúng không? Và có cách nào để khắc phục không?
    Icon
    Chào bạn,
    Đặc tính công việc của dân văn phòng là thời gian ngồi khá dài và vận động ít, sau khi tan tầm rất nhiều người cũng không thích vận động hoặc không có thời gian để tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Theo các chuyên gia, ít vận động làm giảm hoạt động cơ bắp, hạn chế nhu động mật, làm tăng sự ứ trệ của dịch mật và tạo điều kiện lắng đọng sỏi. Đồng thời, thành bụng trong cơ thể sẽ lỏng lẻo, gây ra sa nội tạng, chèn ép ống mật, làm cho dịch mật bị tích tụ, từ đó hình thành nên sỏi mật.
    Nếu không muốn trở thành đối tượng tấn công của sỏi mật, cách tốt nhất là bạn nên tăng cường vận động. Trong phòng làm việc khoảng 2 tiếng thì nên đứng dậy làm một số động tác thư giãn, đảm bảo một lượng vận động nhất định, thời gian vận động hàng ngày nên là khoảng 30 phút. Điều này có tác dụng rất tốt với sức khỏe của hệ tiêu hóa và giảm hẳn nguy cơ hình thành sỏi mật.
    Chúc bạn sức khỏe.
  • Icon

    Những biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi mật?

    Xin chào bác sỹ, tôi xin hỏi về những biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi mật? Con tôi được 14 tháng và cháu bị giãn đường mật bẩm sinh, cháu đã phẫu thuật ở bệnh viện nhi đồng được 17 ngày. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật cháu đi phân lỏng màu vàng, nhiều nước. Tôi rất lo cháu bị biến chứng sau khi cắt túi mật. Bác sỹ điều trị bảo cháu sẽ ổn trong vài ngày tới nhưng tôi rất lo lắng. Xin bác sỹ tư vấn giúp tôi.
    Icon
    Chào chị,
    Triệu chứng đi lỏng bé đang gặp phải hiện nay là triệu chứng thường thấy ở những bệnh nhân sau khi cắt bỏ túi mật. Bởi túi mật có trách nhiệm sản sinh ra dịch mật để hỗ trợ cho hệ thống tiêu hóa, khi túi mật bị cắt bỏ thì mật từ gan sinh ra không có chỗ dự trữ để bài tiết dịch mật như trước nữa, mà phải chuyển dần vào ruột non khiến thức ăn khó được tiêu hóa và gây ra tình trạng phân lỏng. Đây không phải là một biến chứng gì nguy hiểm của việc cắt bỏ túi mật và sau một thời gian triệu chứng này sẽ hết. Hầu hết mọi người vẫn hoàn toàn khỏe mạnh và không gặp vấn đề gì lớn sau khi cắt bỏ túi mật, nên chị có thể yên tâm về sức khỏe của bé.
    Sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi mật, việc đầu tiên cần lưu ý đó là chế độ ăn uống, nhất là đối với bé nhà chị mới chỉ 14 tháng tuổi và vẫn đang bú sữa mẹ. Để tránh hiện tượng đi lỏng của bé hiện nay, bản thân chị phải có một chế độ ăn uống hợp lý, nhiều vitamin, hạn chế các đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, nhiều cholesterol. Nếu xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp, sẽ hạn chế được tối đa tình trạng của bé hiện nay.
    Chúc chị và bé sức khỏe!
  • Icon

    Chỉ số GGT tăng cao khi bị sỏi túi mật 10 mm có ý nghĩa gì?

    Tôi bị 10mm, hiện nay chưa có biểu hiện gì. Nhưng tôi đi kiểm tra thì thấy chỉ số GGT tăng cao. Cho tôi hỏi chỉ số đó có ý nghĩa gì?
    Icon
    Chào bạn,
    GGT là chỉ số men gan, phản ánh tình trạng tổn thương của gan. Men GGT (Gamma Glutamyl Transpeptidase) có thể tăng trong các trường hợp: suy tim sung huyết; ứ tắc đường mật do giun, sỏi; viêm gan, xơ gan; thiếu máu cục bộ ở gan; hoại tử tế bào gan; u gan; dùng các loại thuốc gây độc gan như các thuốc chống động kinh, các thuốc chống viêm, kháng sinh, chống nấm…
    Khi xét nghiệm có GGT tăng, mặc dù chưa phát hiện thêm bất thường gì khác nhưng nghĩa là lá gan của bạn đã bắt đầu bị tổn thương. Bạn nên theo dõi men gan thường xuyên và làm siêu âm gan định kỳ để phát hiện sớm được những bệnh lý về gan. Trước mắt, bạn cần kiêng bia, rượu; giảm các thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào; nên ăn chế độ ăn bổ dưỡng nhiều chất đạm, rau quả. Khi dùng thuốc điều trị bệnh gì thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem có hại cho gan không.
    Chúc bạn sức khỏe!
  • Icon

    Thức ăn nào chứa nhiều chất béo trans không tốt cho cơ thể?

    Tôi năm nay 47 tuổi, vừa rồi tôi có tiến hành phẫu thuật nội soi lấy sỏi. Bác sỹ khuyên tôi nên hạn chế các thức ăn chứa nhiều cholesterol và acid béo trans. Vậy cho tôi hỏi acid béo trans có chứa trong những loại thức ăn nào?
    Icon
    Chào chị.
    Acid béo trans là dạng chất béo đã chuyển hóa, được hình thành bằng phương pháp Hydro hóa dầu ăn, nhằm giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn, bắt mắt hơn và hấp dẫn người tiêu dùng. Chất béo độc hại này thường có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh cookies, khoai tây chiên, quẩy nóng, thịt rán, snack, mỳ tôm, dầu chiên đi chiên lại nhiều lần… Chất béo chuyển hóa tồn tại trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên, và cả trong thực phẩm công nghiệp, từ thịt… đến bánh ngọt, bánh quy, bánh nướng. Hàm lượng các acid béo chuyển hóa là tương đối thấp trong thịt, nhưng cao hơn nhiều trong ngành công nghiệp bánh ngọt và đồ ăn nhẹ. Trong khẩu phần ăn cho những người gặp các vấn đề liên quan đến sỏi mật đặc biệt với những trường hợp vừa trải qua phẫu thuật lấy sỏi thì chị nên hạn chế tối đa ăn các loại thực phẩm này.
    Chúc chị sức khỏe.